Đắk Nông: Cơ quan kiểm định nói gì về dự án công trình thủy lợi phòng, chống hạn giai đoạn 1 tại xã Buôn Choah

(Xây dựng) – Để thông tin một cách khách quan về công tác khảo sát, thiết kế cũng như thi công của các công trình thuộc dự án nâng cấp các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung và công trình thủy lợi tại xã Buôn Choah nói riêng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông đã mời trường Đại học Thủy Lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm đơn vị kiểm định độc lập các nội dung, các vấn đề mà một số thông tin phản ánh.

Theo kết quả kiểm định chủng loại máy bơm, công suất của máy phù hợp với diện tích tưới đã được yêu cầu thiết kế.

Quá trình thực hiện kiểm định theo quy định của Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình. Thông tư số 02/2011/TT-BXD ngày 06 tháng 04 năm 2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng. Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và căn cứ hồ sơ thiết kế dự án “Nâng cấp các công trình thủy lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” đã được phê duyệt.

Đối với công trình công trình thủy lợi tại xã Buôn Choah sẽ tiến hành kiểm định, kiểm tra xem lưu lượng bơm của trạm bơm có đảm bảo nhu cầu tưới theo yêu cầu không? số máy bơm chọn có phù hợp không? Mực nước bể hút có đảm bảo không?

Trên cơ sở các nội dung cần kiểm định, đơn vị kiểm định là trường Đại học Thủy Lợi, chủ trì kiểm định là kỹ sư Nguyễn Văn Nghĩa – chứng chỉ hạng I lĩnh vực thiết kế các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn – đã tiến hành kiểm tra mực nước bể hút, cao độ đáy bể hút trạm bơm Buôn Choah 1. Căn cứ các mốc khống chế có sẵn trên hệ thống các công trình lân cận cũng như Buôn Choah, tiến hành dẫn mốc cao độ để kiểm chứng cao độ mực nước bể hút và cao độ đáy bể hút. Kiểm tra lưu lượng bơm của trạm bơm Buôn Choah 1, số liệu mực nước bể hút trong thiết kế cũng như thực tế, thông số máy bơm thiết kế, tính toán kiểm tra lưu lượng bơm; Kiểm tra số máy bơm, cao trình đặt máy bơm.

Sau quá trình tiến hành kiểm định các nội dung trên, Trường Đại học Thủy Lợi đã có kết luận về các nội dung cần kiểm định trên, cụ thể :

Theo thông số cơ bản tại hồ sơ thiết kết đối với công trình thủy lợi Buôn Choah 1 có cao trình mực nước lớn nhất trong bể xả là 418,7m, cao trình đáy bể xả là 417,4m, cao trình đầu tuyến kênh tưới là 417,89m, cao trình đặt máy bơm là 416,50m.

Qua quá trình kiểm tra thực tế quan sát vận hành trạm bơm thì mực nước cao nhất trong bể là 418,7m, cao độ đáy bể xả là 417,4m, cao độ lắp máy bơm là 416,5m.

Theo báo cáo của đơn vị kiểm định thì lưu lượng nước được yêu cầu thiết kế (số liệu do phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Nô cung cấp) phục vụ cho tổng diện tích tưới là 132,54ha, trong đó diện tích tưới cho trồng lúa là 38,36ha, diện tích tưới cho cây hoa màu là 93,29ha. Trên cơ sở này, qua kiểm tra quá trình vận hành trạm bơm, tính toán các thông số theo hồ sơ thiết kế, đơn vị kiểm định đã khẳng định máy bơm được đơn vị thiết kế lựa chọn đáp ứng đủ yêu cầu tưới, chủng loại máy bơm và số lượng máy bơm phù hợp với diện tích tưới đã được yêu cầu thiết kế.

Tuy nhiên, hiện nay do việc dồn thửa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích tưới tiêu thực tế là 165ha/132,54ha diện tích tưới tiêu theo thiết kế, nhiều hơn 32ha so với yêu cầu thiết kế. Bên cạnh đó, diện tích nước phục vụ trồng lúa khi yêu cầu thiết kế chỉ có 38,36ha nhưng thực tế hiện nay thì diện tích nước phục vụ cho trồng lúa chuyển lên đến 145 ha. Diện tích nước phục vụ tưới cho hoa màu theo yêu cầu thiết kế là 93,29ha nhưng thực tế thì chỉ có 20 ha. Từ số liệu thay đổi cơ cấu cây trồng thực tế như trên thì nhu cầu nước tăng lên 2,26 lần so với công suất thiết kế ban đầu.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước đối với việc chuyển đổi diện tích tưới tiêu và chuyển đổi cây trồng trên, đơn vị kiểm định đã đề xuất các giải pháp như thay đổi máy bơm, hạ cao độ đáy bể hút. Tuy nhiên, việc thay đổi như đề xuất mà đơn vị kiểm định đưa ra chắc chắn sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng cùng tổ hợp nhiều yếu tố từ phía Chủ đầu tư và các cấp thẩm quyền trong giai đoạn 2 của dự án để giải quyết triệt để, căn cơ của bài toán này.

Diện tích sản xuất lúa trên cánh đồng Buôn Choah được mở rộng, đây cũng có thể là cơ sở để cơ quan Nhà nước tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 phụ vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của người dân.

Việc người dân chuyển đổi từ cây hoa màu sang trồng lúa truyền thống theo hướng năng suất cao, chất lượng và hiệu quả là tín hiệu đáng mừng trong việc xây dựng và phát triển nông thôn mới tại đây theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Qua đó cũng thấy được chủ trương đúng đắng cũng như hiệu quả ban đầu khi thực hiện giai đoạn 1 của dự án nâng cấp các công trình thủy lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung và công trình thủy lợi tại xã Buôn Choah nói riêng. Đem lại sự ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là những khu vực vùng xa và vùng khó khăn.

Tô Vĩnh

Trích nguồn: https://baoxaydung.com.vn/dak-nong-co-quan-kiem-dinh-noi-gi-ve-du-an-cong-trinh-thuy-loi-phong-chong-han-giai-doan-1-tai-xa-buon-choah-307542.html